Qua số liệu tổng hợp cho thấy, lượng giao dịch 3 phân khúc gồm: Đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý I/2024 có xu hướng tăng cao hơn so với quý IV/2023.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong quý I có 35.853 giao dịch thành công, tăng 8.263 giao dịch so với quý IV/2023.
Lượng giao dịch đất nền có 97.659 giao dịch thành công, tăng 16.183 giao dịch so với quý IV/2023.
Về tồn kho bất động sản, theo số liệu báo cáo của 56/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong quý I/2024 là khoảng 23.029 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền).
Trong đó, chung cư có 3.706 căn; nhà ở riêng lẻ có 8.468 căn; đất nền có 10.855 nền. Đáng chú ý, có thể thấy, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Cụ thể, lượng tồn kho nhà ở riêng lẻ, đất nền trong quý I/2024 là 19.323 căn/nền (nhà ở riêng lẻ có 8.468 căn; đất nền có 10.855 nền), tương đương 143,25% so với quý IV/2023.
Lượng tồn kho nhà ở riêng lẻ, đất nền trong quý IV/2023 là 13.489 căn/nền, trong đó, nhà ở riêng lẻ có 5.173 căn, đất nền có 8.316 nền.
Nhìn chung, các chủ thể tham gia thị trường bất động sản trong thời gian qua đã có những động thái phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng cho rằng, thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…, bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các Luật này trong tháng 7/2024.
Các địa phương tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030″ và triển khai hiệu quả “Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng”.
Bên cạnh các nội dung trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, để tăng nguồn cung cho thị trường…
Nguồn: Tạp chí tài chính